Nhổ răng là một kỹ thuật nha khoa nhằm loại bỏ răng thật, khi các răng đó không còn thực hiện được chức năng cũng như ảnh hưởng xấu đến sinh hoạt hàng ngày. Nhổ răng mặc dù chỉ là một cuộc tiểu phẫu nhưng cũng cần đến sự trợ giúp của thuốc gây tê, tác động lên dây thân kinh và các vấn đề đau nhức sau đó. Vậy khi nhổ răng cần phải lưu ý những gì và các đối tượng đặc biệt như phụ nữ mang thai, đang cho con bú có nhổ răng được không?
Cần nhổ răng trong những trường hợp nào?
Trong một số trường hợp, sau khi thăm khám, bác sĩ nha khoa sẽ chỉ định nhổ răng.
Cụ thể:
Chỉ định tại chỗ
Nếu phát hiện răng gặp một trong các vấn đề sau sau khi tiến hành kiểm tra, bác sĩ sẽ chỉ định nhổ răng:
- Thân răng và chân răng bị phá hủy nhiều, các chức năng của răng mất và không thể điều trị hay tái tạo được nữa.
- Răng bị viêm mãn tính hoặc đã điều trị tủy nhiều lần nhưng vẫn tái phát, có các biến chứng gây ảnh hưởn xấu đến sức khỏe.
- Bệnh nhân mắc các bệnh lý răng miệng nặng gây các biến chứng tại chỗ như: viêm xương, viêm tổ chức liên kết…
- Răng mọc ngầm, mọc lệch, răng thừa dị dạng gây biến chứng nhiều lần.
- Chân răng gãy do sang chấn.
- Răng sữa đã đến tuổi thay răng.
Chỉ định theo yêu cầu chỉnh hình và phục hình răng:
- Những trường hợp răng hô, vẩu, răng mọc chen chúc khi niềng răng sẽ được chỉ định nhổ răng, sau đó mới đeo niềng kéo chân răng.
- Răng bị lung lay nhiều sẽ tiến hành nhổ bỏ để trồng lại.
Chỉ định tổng quát
- Có ổ nhiễm khuẩn ở răng nghi gây các vấn đề như viêm thận, viêm khớp, viêm nội tâm mạc và bắt buộc nhổ theo yêu cầu của bác sĩ nội khoa.
- Khi thực hiện điều trị một khối u ở vùng hàm mặt, nếu răng nằm trên đường đi của tia xạ cũng sẽ được nhổ bỏ.
Quy trình nhổ răng
Đa phần bệnh nhân đều cảm thấy lo lắng, sợ đau đớn và biến chứng khi tiến hành nhổ răng. Nhưng nhổ răng là kỹ thuật nha khoa không quá phức tạp. Cùng với sự hỗ trợ của công nghệ hiện đại và sự chuyên nghiệp của nha sĩ, quá trình nhổ răng hoàn toàn không đau đớn.
Quy trình nhổ răng thường có 4 bước như sau:
Bước 1: Kiểm tra tổng quát sức khỏe răng miệng và thăm khám cấu trúc răng cần nhổ
Bác sĩ sẽ tiến hành thăm khám, chụp X – Quang để xác định chiều dài, hình dạng, vị trí và tình trạng xương xung quanh vị trí răng cần nhổ. Từ đó, bác sĩ ước tính mức độ khó của ca tiểu phẫu và hướng nhổ răng hợp lý nhất.
Bước 2: Vệ sinh răng miệng
Răng miệng được vệ sinh sạch sẽ để đảm vảo an toàn, tránh viêm nhiễm khi nhổ răng. Sử dụng nước súc miệng chứa flour để làm sạch các vi khuẩn, đặc biệt là những vi khuẩn ẩn chứa bên trong kẽ răng khó vệ sinh.
Bước 3: Gây tê
Bệnh nhân có sức khỏe tốt, ổn định bình thường thì chỉ cần tiêm tê tại vị trí nhổ răng. Đối với những trường hợp phức tạp hơn mới phải gây tê vùng và gây tê tại chỗ.
Trước khi tiêm thuốc gây tê, bác sĩ sẽ thoa nhẹ thuốc tê lên vùng cần tiêm nên khi tiêm thuốc sẽ không có cảm giác nhói, đau rát.
Bước 4: Tiến hành nhổ răng
Các bộ dụng cụ riêng đã được vô trùng, vô khuẩn mới có thể tiến hành nhổ răng. Sau khi răng đã được nhổ ra khỏi khung hàm, bác sĩ sẽ tiến hành khâu vá nướu hoặc tiến hành bước tiếp theo trong quá trình phục hình (trồng răng Implant).
Một số lưu ý trước và sau khi nhổ răng
Để tránh xảy ra các biến chứng phức tạp sau khi nhổ răng (nhiễm trùng, chảy máu nhiều, sưng đau dai dẳng)… thì trước và sau khi nhổ răng, bệnh nhân cần có biện pháp chăm sóc răng miệng cho đúng cách.
Cần chuẩn bị những gì trước khi nhổ răng?
- Bệnh nhân nên nắm rõ tình trạng sức khỏe bản thân trước khi nhổ răng. Nếu bệnh nhân có tiểu sử bệnh tiểu đường, tim mạch, huyết áp cao, dị ứng với thuốc hoặc một số thành phần của thuốc, đang trong thời kỳ kinh nguyệt hay mới ốm dậy, hãy báo để bác sĩ có những phương án phù hợp. Bác sĩ sẽ quyết định việc có nên nhổ hay không hoặc khi nhổ dùng thuốc gây tê như thế nào, đặc biệt là việc chăm sóc sau khi tiến hành nhổ.
- Nhổ răng cũng chỉ là một tiểu phẫu, ngày nay với sự phát triển của khoa học, có rất nhiều công nghệ hỗ trợ cho quá trình nhổ răng khôn diễn ra nhẹ nhàng, nhanh chóng. Căng thẳng có thể khiến người bệnh bị đau hơn, vì thế hãy chuẩn bị sức khỏe cũng như tâm lý thoải mới, vui vẻ trước khi nhổ răng
- Vệ sinh sạch sẽ răng miệng trước ở nhà sẽ giúp bệnh nhân chủ động và tự tin hơn, tâm lý cũng thoải mái, dễ chịu hơn.
- Tìm hiểu và lựa chọn kỹ địa chỉ nha khoa uy tín cũng là một vấn đề quan trọng. Răng số 8 là loại răng khó nhổ, phức tạp nhất trong tất cả các loại răng. Vì vậy nếu , tay nghề bác sĩ yếu kém, trang thiết bị y tế không đạt chuẩn, quy trình nhổ răng khôn gặp vấn đề sẽ dễ xảy ra các biến chứng nguy hiểm sau khi nhổ, có thể ảnh hưởng đến tủy răng, xương hàm, thậm chí là dây thần kinh, gây đau đớn. Vì vậy bệnh nhân cần lựa chọn nha khoa chất lượng, uy tín để quá trình nhổ răng đạt kết quả tốt nhất, không ảnh hưởng đến sức khỏe.
Chăm sóc răng miệng sau khi nhổ răng như thế nào?
Ngay sau khi nhổ răng xong, cần chú ý một số vấn đề sau:
- Cắn bông gạc cầm máu: Sau khi nhổ răng khôn, bác sĩ sẽ đặt một miếng gạc bông lên trên ổ nhổ để bệnh nhân cắn chặt, giúp cầm máu. Đa phần các bệnh nhân sẽ phải cắn bông gạc trong 1 giờ ở trạng thái yên tĩnh. Lưu ý nêys thời gian cắn quá lâu có thể hình thành cục máu đông dính vào gạc, khi nhổ gạc ra rất dễ gây chảy máu trở lại.
- Uống thuốc giảm đau, chống viêm: Sau khi hết thuốc tê, người bệnh dễ bị đau. Nhưng đừng quá lo lắng vì cảm giác này qua nhanh sau 1- 2 ngày. Bác sĩ thường kê một đơn thuốc giảm đau (đa phần là dạng ibuprofen) và tư vấn hướng dẫn sử dụng chi tiết. Hãy tuân theo lời khuyên của bác sĩ để quyết định có sử dụng kháng sinh hay không và thời gian sử dụng như thế nào.
- Chườm nóng, lạnh: Tình trạng sưng bên má sau khi nhổ răng khôn khá phổ biến, người bệnh nên dùng một chiếc khăn sạch bọc đá và chườm lạnh bên ngoài 30 phút, sau đó nghỉ 30 phút rồi lợi tiếp tục.Lư ý không nên chườm trực tiếp đá lên mặt vì có thể gây bỏng lạnh. Nếu vết sưng rõ ràng, có thể chườm nóng sau 48 giờ. Cơ bản hiện tượng sưng mặt có thể hết sau 7 ngày.
- Vệ sinh răng miệng đúng cách: Cục máu đông ở vị trí nhổ răng sẽ hình thành sau khi tháo bông ra khoảng 1 tiếng sau nhổ răng. Người bệnh không được súc miệng và đánh răng trong vòng 24 giờ sau khi nhổ răng và không dùng lưỡi liếm vết thương thường xuyên, bởi lẽ những việc đó có thể khiến cục máu đông rơi ra và chảy máu trở lại. Trong vòng 24 giờ, nước bọt có chứa tơ máu, đó là hiện tượng bình thường. Sau 24 giờ, người bệnh có thể súc miệng bằng nước muối sinh lý và đánh răng bình thường. Việc đánh răng có thể khiến nhiều người e ngại vì sợ đau hay nhiễm trùng. Tuy nhiên không làm sạch răng miệng lại tạo môi trường cho vi khuẩn phát triển, làm tăng nguy cơ nhiễm trùng.Vì vậy khi đánh răng, cần lưu ý phải chải răng thật nhẹ nhàng, không đưa bàn chải đến gần vị trí chiếc răng bị nhổ để tránh làm tổn hại cục máu đông khiến máu tiếp tục chảy. Đặc biệt là chú ý làm sạch cặn thức ăn, tránh bị rơi vào hố răng. Súc miệng một cách nhẹ nhàng chậm rãi, răng miệng vừa sạch mà vết thương mới không bị tổn hại. Bệnh nhân có thể duy trì việc dùng chỉ nha khoa và nước súc miệng như thường lệ, nhưng tránh dùng chỉ nha khoa gần vị trí nhổ răng và tốt nhốt là để vết thương hồi phục từ 2-3 ngày.
- Nghỉ ngơi, tránh vận động gắng sức: Trong vòng ba ngày kể từ khi nhổ răng, bệnh nhân nên nghỉ ngơi nhiều hơn thể trạng phục hồi. Không tham gia bất cứ hoạt động thể chất nào ít nhất trong 24 giờ sau khi nhổ răng. Nên gối cao đầu hơn một chút khi nằm để tránh máu hoặc nước bọt không gây sặc. Không nằm nghiêng về phía má có chiếc răng bị nhổ, tránh đề gây đau và để máu không bị ứ đọng do tăng nhiệt độ. Luôn ngồi ở tư thế thẳng, không gập người xuống hoặc nâng, nhấc vật nặng. Duy trì tinh vui vẻ thần thoải mới giúp người bệnh ăn ngon miệng hơn, vết thương mau lành và nhanh hồi phục.
- Ăn uống: Người bệnh sẽ gặp khó khăn một chút trong việc ăn uống sau khi nhổ răng nhưng hãy cố gắng ăn đủ bữa. Nên bắt đầu với các thức ăn mềm, lỏng như cháo, súp, sinh tố, sữa chua và cháo súp. Cố gắng nhai bằng bên còn lại, tránh để thức ăn tiếp xúc với vết mổ có thể gây đau, khó vệ sinh. Chú ý bổ sung dinh dưỡng, ăn nhiều thức ăn giàu đạm và vitamin. Không hút thuốc hoặc uống rượu bia trong vòng 1 tuần sau khi nhổ răng. Ăn từ từ, không nên quá đột ngột để răng có thời gian thích ứng. Tránh thức ăn cứng, cay, dính, thức uống nóng, các sản phẩm có chứa caffeine, cồn và nước ngọt. Tránh hút thuốc lá, uống rượu, bia trong ít nhất 24 giờ sau khi nhổ răng.
- Tái khám theo lịch hẹn: Sau khi nhổ răng khôn, bác sĩ thường có lịch hẹn cụ thể để kiểm tra vết mổ. Hiện nay với sự phát triển của y khoa, các bác sĩ thường dùng loại chỉ tự tiêu thay vì chỉ không tự tiêu như trước kia, sẽ hạn chế được việc phải cắt chỉ sau khi vết khâu lành. Bệnh nhân cần giữ liên lạc với bác sĩ phụ trách bởi trong quá trình hồi phục có bất cứ vấn đề gì, người bệnh có thể liên lạc trao đổi và đến thăm khám kịp thời. Nếu có cảm giác khó chịu bất thường sau khi nhổ răng, có thể nhờ đến sự trợ giúp của bác sĩ. Nếu vết thương nhổ răng bị đau từ 3 ngày trở lên, cần thăm khám kịp thời để kiểm tra vết thương nhổ răng có bị nhiễm trùng không. Vết khâu có thể được tháo chỉ sau 7-10 ngày kể từ ngày phẫu thuật (nếu sử dụng chỉ không tự tiêu), khi đó bệnh nhân cần đến phòng khám để cắt chỉ.
Những đối tượng cần tránh nhổ răng
Tuy nhổ răng là cần thiết nhưng không phải lúc nào cần cũng có thể thực hiện. Một số trường hợp cần tránh khi nhổ răng:
Chống chỉ định tại chỗ
Bệnh nhân đang có bệnh viêm cấp tính phải đợi qua giai đoạn cấp tính mới nhổ bỏ để tránh nhiễm khuẩn lan rộng, chuyển biến nhiễm khuẩn nặng, có thể để lại biến chứng nguy hiểm nếu không biết cách vệ sinh và chăm sóc răng miệng tốt:
- Viêm lợi, viêm miệng cấp tính.
- Viêm khớp răng cấp tính.
- Viêm xoang cấp tính sẽ không nhổ được các răng cối trên.
Chống chỉ định tạm thời
- Bệnh nhân mắc các bệnh rối loạn về máu, tim mạch, tiểu đường, bệnh dị ứng cần uống thuốc ổn định bệnh lý và có chỉ định của bác sĩ mới tiến hành nhổ.
- Bệnh nhân bị bệnh động kinh và tâm thần phải dùng thuốc an thần vài ngày trước khi nhổ răng.
- Phụ nữ đang mang thai: Ở giai đoạn mang thai, lượng canxi trong cơ thể người mẹ có sự xáo trộn gây ảnh hưởng đến quá trình nhổ răng. Bên cạnh đó, khi mang thai tuyệt đối không nên nhổ răng vì dễ gây viêm, nhiễm trùng, ảnh hưởng đến sức khỏe của mẹ và thai nhi. Nếu trong quá trình mang thai, người mẹ bị đau răng cần có sự hướng dẫn và theo dõi sát sao của bác sĩ, không nên tự ý sử dụng thuốc kháng sinh, giảm đau khi chưa có chỉ định cụ thể.
- Phụ nữ trong kỳ kinh nguyệt không nên nhổ răng: Cơ thể các phụ nữ trong giai đoạn này rất nhạy cảm, có nhiều biến đổi như mệt mỏi, người trữ nước. Ngoài ra, phần niêm mạc dễ bị sưng tấy và máu cũng loãng hơn bình thường. Nhổ răng khôn trong thời kỳ này sẽ khiến cơ thể mệt mỏi hơn, chảy máu nhiều và khó cầm máu, từ đó dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm như nhiễm trùng.
Chống chỉ định vĩnh viễn
- Bệnh nhân bị ung thư bạch cầu sẽ dễ bị nhiễm khuẩn và chảy máu .
- Bệnh nhân đã điều trị tia X vùng hàm mặt, nếu nhổ răng sẽ dễ bị hoại tử vùng xương hàm.
Phụ nữ đang cho con bú có nhổ răng được không?
Nhổ răng được coi là chỉ định cuối cùng khi không thể bảo tồn được nữa, nhưng không phải lúc nào cũng sẽ được tiến hành nhỏ bỏ ngay. Đặc biệt đối với phụ nữ đang cho con bú có nhổ răng là một trong những vấn đề vô cùng nhạy cảm vì các mẹ luôn sợ rằng thuốc tê trong quá trình nhổ răng có thể ảnh hưởng đến trẻ thông qua sữa mẹ.
Phụ nữ trong giai đoạn cho con bú khá nhạy cảm, chỉ nên thực hiện nhổ răng khi vùng răng nhiễm khuẩn nặng, gây ra những cơn đau nhức, ê ẩm tác động đến sức khỏe, hoạt động ăn uống hàng ngày mà việc kiềm chế, kiểm soát cơn đau không còn hiệu quả nữa.
Trong điều trị nha khoa, nhổ răng cần thiết phải có tiêm thuốc tê nhằm giảm đau cho bệnh nhân. Tuy nhiên lượng thuốc tê này vô cùng nhỏ, nó sẽ nhanh chóng tan hết sẽ không gây ảnh hưởng đến sức khỏe của mẹ và chất lượng sữa cho bé.
Vì vậy, nhổ răng khi đang cho con bú có thể thực hiện bình thường trong trường hợp người mẹ phải có sức khỏe ổn định, không mắc phải các bệnh lý như:
- Bệnh cấp tính như viêm miệng, viêm nướu, viêm quanh cuống răng, viêm quanh thân răng. Trường hợp này mẹ cần đợi hết giai đoạn cấp tính mới nhổ vì dễ gây nhiễm trùng lan rộng, không nhổ các răng cối hàm trên.
- Rối loạn về tim mạch, tiểu đường, dị ứng cần phải có ý kiến của bác sĩ điều trị chuyên khoa.
- Các bệnh tâm thần, động kinh phải cho dùng thuốc an thần vài ngày trước khi nhổ răng.
Sau khi nhổ răng bác sĩ sẽ kê đơn thuốc kháng sinh, giảm đau chống sưng giúp mẹ ngăn các cơn đau sau, chống viêm khi hết thuốc tê. Vì thế để tránh những ảnh hưởng đến con nhỏ cần trao đổi cho bác sĩ biết rằng bạn đang trong thời kỳ cho con bú để bác sĩ chọn loại thuốc phù hợp .
Nếu lo ngại việc sử dụng thuốc sau khi nhổ răng có thể truyền qua sữa mẹ thì trước khi đi nhổ răng mẹ nên trữ trước sữa mẹ bảo quản lạnh cho bé dùng lúc mới nhổ răng xong (chưa cho bé bú ngay mà dùng sữa này). 8-12 tiếng sau khi nhổ răng mẹ mới nên cho bé bú trực tiếp và bỏ cữ sữa mẹ đầu tiên.
Tuy răng nhổ răng là một cuộc tiểu phẫu nhưng để hạn chế những biến chứng có hại sau khi nhổ, người bệnh cần phải ghi nhớ rất nhiều lưu ý. Đặc biệt là đối với những đối tượng như phụ nữ mang thai và đang cho con bú vì khi đó sẽ liên quan đến cả sức khỏe của người mẹ, sự phát triển của em bé. Mong qua bài viết này, người đọc đã có thể giải đáp được những thắc mắc liên quan đến vấn đề nhổ răng như đang cho con bú có nhổ răng được không?